CEO Haravan: 'Doanh nghiệp như một chiếc ô tô, người chủ là người định hướng nhưng để chạy hiệu suất cao, công suất lớn, đi đủ xa thì cần cỗ máy đủ tốt'

Làn sóng lớn mang tên kinh tế số

Phát biểu tại phiên Kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp.

Thứ trưởng Thắng dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỉ USD năm 2015, tăng lên 9 tỉ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỉ USD vào năm 2025. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Trong sự biến chuyển này, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số. Ông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.

“Đây là một yêu cầu gần như bắt buộc. Tất cả các ngành mọi người bắt buộc phải chuyển đổi nếu không sẽ rời khỏi cuộc chơi. Bởi vì cuối cùng tất cả người tiêu dùng của các thương hiệu bị thay đổi bởi những tay chơi khổng lồ như Google, Facebook và gần đây là Grab. Họ bị thay đổi trên nền tảng digital, mobile. Từ đó người kinh doanh bắt buộc phải thay đổi. Nếu mình không thay đổi thì mình phải rời khỏi xu hướng này”, ông Huỳnh Lâm Hồ- CEO Startup Haravan nhận định về làn sóng mới mang tên kinh tế số.

Vị CEO lấy ví dụ cụ thể như ngành truyền thống như taxi đã thay rõ rệt khi có sự tham gia của Grab hay Uber. Gần đây nhất có thể kể đến ngành F&B với sự gia nhập của Grab Food hay Now. Theo đó mỗi ngành khi có tay chơi lớn gia nhập sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

“Số liệu từ phía thương mại điện tử cho thấy một người dùng internet tại Việt Nam dành hơn 28 tiếng cho online. Con số này cho thấy hành vi của người dùng đã thay đổi, 1 lượng traffic rất lớn đến từ online. Tất cả doanh nghiệp đều phải chuyển đổi”, CEO Haravan đánh giá xu hướng mới.

Tuy nhiên hiện nay nếu nhìn vào bức tranh chung của doanh nghiệp, thương mại điện tử chỉ chiếm 2-4% doanh thu của doanh nghiệp nên không phải ai cũng thừa nhận xu hướng tất yếu này. Tuy nhiên ông Hồ lấy ví dụ ngành thời trang là mình chứng cho sự thay đổi rõ rệt. Hiện nay nhu cầu mua sắm xuất phát từ việc lướt trên mạng xã hội sau đó nảy sinh các hành vi mua hàng trực tuyến hoặc đến cửa hàng thay vì thói quen truyền thống shopping hàng giờ như trước đây.

Nương theo làn sóng

Năm 2017, có 2 startup Việt Nam được Google lựa chọn qua Mỹ đào tạo 6 tháng bởi khả năng phát triển, mở ra toàn cầu. Hai gương mặt khởi nghiệp đình đám này là Haravan và Elsa. CEO Haravan mới đây tự hào tiết lộ tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới khoảng 200% dù startup này mới thành lập năm 2014.

Một số liệu của Bộ công thương mới công bố cho thấy ngành thương mại điện tử Việt Nam gần đây có tốc độ tăng trưởng khoảng 30% và Haravan thừa nhận được hưởng lợi lớn từ cơ hội này.

Sau khi 1 thời gian làm việc cho Thế giới di động, CTO của Sendo, Huỳnh Lâm Hồ bắt tay vào kinh doanh để tìm hiểu sâu hơn về thương mại điện tử. Thời điểm này công việc kinh doanh cùng vợ của anh khá thuận lợi khi mở tới 3 cửa hàng. Tuy nhiên đây cũng là lúc Hồ nhận ra vấn đề của phần lớn người kinh doanh đều không có năng lực về công nghệ, con người, hay khâu quảng cáo... anh quyết định rời Sendo để khởi nghiệp Haravan cùng ông Đinh Anh Huân - Founder của Seedcom.

Công việc cũ giúp sức rất nhiều cho founder này về am hiểu ngành bán lẻ, kinh doanh. Theo anh, những người kinh doanh tại Việt Nam hiện nay bán hàng trên rất nhiều kênh từ online, offline đến nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Mỗi kênh bán hàng đều có những vấn đề cần giải quyết riêng và Haravan tìm cách đưa ra những sản phẩm giải quyết cho từng nhu cầu riêng này.

CEO Haravan: Doanh nghiệp như một chiếc ô tô, người chủ là người định hướng nhưng để chạy hiệu suất cao, công suất lớn, đi đủ xa thì cần cỗ máy đủ tốt - Ảnh 2.

CEO Haravan Huỳnh Lâm Hồ.

CEO Haravan - ông Huỳnh Lâm Hồ lấy ví dụ về nền tảng website, startup này cung cấp giải pháp đơn giản dễ dàng để người kinh doanh có thể sở hữu một website mà không cần biết về kỹ thuật. Thậm chí những doanh nghiệp lớn như Juno, Maison, The Coffee House,… hiện đang dùng các giải pháp của Haravan nhưng người mua không hề biết startup này là ai. So với trước đây, doanh nghiệp tốn nhiều chi phí để tạo ra 1 website thì công việc này hiện rất đơn giản.

Ngoài công cụ website hiện nay nhiều công cụ khác như Facebook, Zalo, Instagram,.. ra khiến tương tác khách hàng ngày càng quan trọng nhưng cũng phức tạp hơn. Startup này đã cho ra mắt sản phẩm công nghệ chatbot sử dụng kèm với những sản phẩm khác tạo thành 1 hệ sinh thái tương tác đa kênh với khách hàng. 

Bán hàng đa kênh (OmniChannel Retailing – OCR) là mô hình tiếp thị tất cả trong 1 của ngành bán lẻ. Hiểu đơn giản là khách hàng của bạn sẽ tiếp cận sản phẩm của cửa hàng bằng nhiều cách khác nhau mà họ biết, nghĩa là khi bạn tiếp thị ở các kênh nào (web, mạng xã hội, TVC, quảng cáo qua ứng dụng…) thì khách hàng sẽ biết đến bạn qua kênh đó. CEO Haravan cũng cho rằng xu hướng bán hàng đa kênh là điều tất yếu với bất cứ người bán lẻ nào muốn mở rộng quy mô đều phải tham gia bằng không sẽ rời khỏi cuộc chơi.

“Nếu ví doanh nghiệp như một chiếc ô tô thì Haravan là động cơ trong đó. Người chủ là người định hướng chiến lược, để 1 tổ chức chạy hiệu suất cao, công suất lớn, đi đủ xa thì cần cỗ máy đủ tốt. Người tiêu dùng hiện nay thay đổi quá nhiều và doanh nghiệp cần dùng công nghệ.”, CEO Haravan ví von.

Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.

Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn

Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…

 
 
Tin tiếp theo
image banner

Nhận báo giá miễn phí