Nguyễn Bảo Trọng, CEO Miin: Tạo dựng niềm tin với bảo hiểm bằng sự minh bạch
Nguyễn Bảo Trọng (đứng giữa) và các nhà đầu tư trong một chương trình truyền hình thực tế. |
Vừa làm, vừa dò dẫm
Miin không tạo ra một ngành mới trong lĩnh vực bảo hiểm. Bởi, theo cách ví von của Bảo Trọng, bảo hiểm như “cánh đồng bao la” và sản phẩm nhân thọ hay phi nhân thọ hiện tập trung vào mảnh đất màu mỡ nhất ở các tỉnh, thành phố lớn.
“Miin không tuyên chiến với những nhà cung cấp dịch vụ sản phẩm trên, bởi chúng tôi biết, vị thế, tiềm lực của mình không có. Gần 60% dân số Việt Nam không có bảo hiểm sẽ là đối tượng chúng tôi hướng đến để cung cấp sản phẩm”, Bảo Trọng chia sẻ.
Cụ thể, Miin hướng đến sản phẩm cung cấp cho các nền tảng đang được vận hành theo mô hình kinh doanh mới như ứng dụng gọi xe, giao hàng, thương mại điện tử… Các sản phẩm Miin cung cấp gần như chưa từng có trên thị trường, bởi được xây dựng tùy chỉnh theo mô hình kinh doanh đặc thù của từng doanh nghiệp.
Hiện chưa có hành lang pháp lý cụ thể với mô hình insurtech như Miin, nên Bảo Trọng cùng đội ngũ sáng lập buộc phải vừa làm, vừa dò dẫm theo luật hiện có.
Bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên các doanh nghiệp trong ngành đều quan tâm đến giấy phép và quy trình kiểm soát bởi công ty bảo hiểm gốc, trong khi Miin chỉ là đại lý, chưa đủ thẩm quyền để bồi thường thanh toán ngay trên ứng dụng. Đây cũng chính là lý do khiến đội ngũ Miin quyết định chọn hướng đi khác để vừa có thể đưa ra sản phẩm theo nhu cầu, mà vẫn trong khuôn khổ pháp luật.
“Trong đội ngũ nhân sự cốt cán của Miin có luật sư về lĩnh vực bảo hiểm. Chúng tôi đang cùng anh em trong ngành kiến nghị xây dựng hành lang pháp lý. Start-up không thể đợi mọi thứ hoàn chỉnh rồi mới bắt tay làm, vì đến khi ấy, đã có quá nhiều đối thủ tham gia thị trường”, Bảo Trọng chia sẻ và gọi đây là bài toán “con gà và quả trứng”.
Trong vị trí của một đại lý bảo hiểm, Miin tự xây dựng gói bảo hiểm, tự định giá và đưa sản phẩm này đến công ty bảo hiểm gốc để thông qua họ, xin giấy phép cho sản phẩm. Cụ thể, Miin đã thực hiện hợp tác với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện - PTI (Miin là một đại lý của PTI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội…
Hiện Miin đã hợp tác cung cấp sản phẩm với một số doanh nghiệp lớn ngành hàng không và ứng dụng gọi xe, thông qua PTI và dòng tiền chảy về quỹ của công ty bảo hiểm gốc như PTI. “Đây là hợp đồng 3 bên, trong đó, Miin trong vai trò cung cấp dịch vụ công nghệ”, Bảo Trọng, cũng từng là Phó giám đốc PTI, chia sẻ.
Minh bạch thông tin
Miin đang theo đuổi mô hình B2B2C. Một mặt, Miin sẽ cung cấp các gói bảo hiểm đặc thù cho doanh nghiệp trong lĩnh vực gọi xe, công ty thương mại điện tử…; mặt khác, họ sẽ “theo chân” Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam để tiếp cận người dùng cuối thông qua việc kết nối, giới thiệu trực tiếp với các sở, ngành địa phương về sản phẩm.
Bảo Trọng cho biết, sau khi có được sự đồng ý từ chính quyền địa phương, Miin sẽ thuê các bạn trẻ trong đoàn thanh niên xã/huyện giới thiệu và hướng dẫn người dân tải app, tạo tài khoản, mua gói bảo hiểm vi mô.
Đến nay, phương cách tiếp cận này đạt hiệu quả nhất tại xã Kỳ Lâm (tỉnh Hà Tĩnh) với 1.074/1.555 người được giới thiệu đã tham gia mua sản phẩm Miin. Số tiền mua bảo hiểm của khách hàng sẽ được chuyển về công ty bảo hiểm gốc thông qua trung gian thanh toán là Viettel Pay và sắp tới có thể là Momo, Ví Việt…
“Thông qua app, người mua bảo hiểm có thể biết được thông tin về người được bồi thường bảo hiểm cũng như chi phí bồi thường. Đây là cách minh bạch hóa thông tin cũng như gia tăng niềm tin cho người dùng. Với gói bảo hiểm vi mô và ứng dụng công nghệ, các khâu giải quyết bồi thường chỉ mất khoảng 1 tiếng là tiền bảo hiểm sẽ được hoàn vào tài khoản người mua”, Bảo Trọng lý giải về mô hình.
Ý tưởng xây dựng Miin xuất hiện từ tháng 10/2018 và sau đó không lâu, Công ty cổ phần Miin Việt Nam được thành lập (tháng 1/2019). Hai tháng sau, gói bảo hiểm đầu tiên của Miin được cung cấp ra thị trường. Đến nay, đã có hơn 680.000 hợp đồng bảo hiểm được Miin cùng các công ty bảo hiểm gốc thực hiện.
Trong thời gian tới, Miin sẽ tiếp tục hướng đến 3 đối tượng khách hàng, gồm: người nghèo, người dân tộc miền núi thường được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ; các tiểu thương, hộ nông dân và nhân sự hợp đồng thời vụ tại các doanh nghiệp.
Miin đang trong giai đoạn thẩm định của các nhà đầu tư về khoản gọi vốn 500.000 USD đổi lấy 25% cổ phần, đồng thời đang lên kế hoạch gọi 5 triệu USD vào tháng 6/2020.
Bảo Trọng cùng các nhà sáng lập, vận hành Miin tự tin đã tạo ra một mô hình, mà ở đó, sản phẩm tùy chỉnh và tỷ lệ bồi thường cao, giải quyết bồi thường nhanh chóng. Khi đó, khách hàng sẽ có niềm tin về một ngành công nghiệp mà từ lâu luôn gắn với... sự nghi ngờ.